Phát triển du lịch biển thành phố Quy Nhơn – Tầm nhìn đến năm 2025

Mục tiêu đến năm năm 2025, thành phố Quy Nhơn đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế biển; Phát triển dịch vụ, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Chỉ tiêu cụ thể là đón trên 6,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 0,9 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 6,3%; Về doanh thu du lịch: đạt 13.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm.

Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 Thành phố Quy Nhơn đã đề ra phương hướng, mục tiêu phấn đấu trong 5 năm đến của Thành phố là “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực đầu tư, phấn đấu xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại”. Đại hội đã xác định một trong ba khâu đột phá để tạo động lực phát triển trong nhiệm kỳ là: “Tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó, xác định dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”.
Để phát triển dịch vụ du lịch biển thành phố Quy Nhơn đúng hướng, đạt hiệu quả cao, trong nhưng năm qua bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Tỉnh, Thành phố Quy Nhơn cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư mới nhiều hạn mục công trình, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có để làm tiền đề phát triển du lịch biển thành phố Quy Nhơn trong tương lai.
Về cơ sở hạ tầng 

Các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã tạo không gian, điểm nhấn, trục cảnh quan đô thị, đã tạo một diện mạo mới cho đô thị biển Quy Nhơn kết nối và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu, điểm tham quan, du lịch,… phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương, đặt biệc là khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển đảo Quy Nhơn.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Thành phố đã phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống, mua sắm,… phục vụ du lịch, các dịch vụ lưu trú du lịch cộng đồng gắn với sinh kế người dân, hệ thống các cơ sở ăn uống, mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được đầu tư, đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách về tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm và du lịch biển, đảo, cụm thể:
+ Về cơ sở lưu trú du lịch: Số lượng cơ sở lưu trú, gồm: 288 khách sạn, 6.944 phòng và hơn 325 nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê như homestay, hostel…
+ Về dịch vụ ăn uống, mua sắm: Thành phố có 02 khu ẩm thực; 07 nhà hàng ăn uống được chứng nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; nhiều Nhà hàng đạt chuẩn nằm trong khách sạn lớn từ 3-5 sao, các khu vui chơi, giải trí và hàng trăm cơ sở ăn uống vừa và nhỏ phục vụ khách du lịch; có 03 Trung tâm thương mại, 03 Siêu thị tổng hợp, 06 Siêu thị chuyên doanh và chuỗi siêu thị đa dụng thuộc Tập đoàn Vingroup, nhiều khu thương mại, dịch vụ, cửa hàng tự chọn và hàng ngàn các cơ sở buôn bán, bán lẻ; trong đó có 02 chợ truyền thống là chợ mô hình điểm trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; 31 máy bán hàng tự động phục vụ 24/24 giờ.
Các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm có Phố Văn hóa – Nghệ thuật đường Lê Đức Thọ, Chợ đêm Quy Nhơn và hệ thống quán bar, pub, club phát triển nhanh và đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.


Về các dịch vụ, du lịch biển

Đã có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao du lịch trên biển ở xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng, Hải Cảng và xã đảo Nhơn Châu; trong đó 02 địa phương có du lịch biển phát triển mạnh là xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý, hầu hết các loại hình dịch vụ du lịch biển của thành phố đều tập trung ở đây, với các phương tiện ca nô, mô tô nước, xe điện vận chuyển khách và tour du lịch trên biển. Ngoài ra, một số loại hình du lịch biển khác cũng phát triển trong thời gian gần đây như: Du khách lặng ngắm san hô, trải nghiệm câu mực đêm, trượt cát, du lịch trải nghiệm đời sống ngư dân làng chài,…


Mục tiêu đến năm năm 2025, thành phố Quy Nhơn đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế biển; Phát triển dịch vụ, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Chỉ tiêu cụ thể là đón trên 6,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 0,9 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 6,3%; Về doanh thu du lịch: đạt 13.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm.
Để đạt được mục tiêu cụ thể nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, TP Quy Nhơn đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó gồm có:
– Tập trung đầu tư các ngành du lịch và dịch vụ biển; phát triển hạ tầng du lịch, tập trung các khu nghỉ dưỡng ven biển dọc tuyến Quy Nhơn – Nhơn Hội – Cát Tiến thuộc bán đảo Phương Mai- Núi Bà trên địa bàn thành phố, Quy Nhơn – Sông Cầu; đầu tư các khu du lịch cao cấp tại núi Vũng Chua.
– Hoàn thiện các khu du lịch ven biển, điểm dịch vụ, du lịch sinh thái ven đầm Thị Nại và vịnh Mai Hương; phát triển các sản phẩm du lịch theo đặc trưng của từng địa điểm tại Eo Gió, Kỳ Co, Phương Mai, Nhơn Hải, Hòn Khô, Hải Minh.
– Thực hiện tốt phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại và đô thị ven biển theo quy hoạch của tỉnh trên địa bàn thành phố như: Khu đô thị hai bên bờ đầm Thị Nại, khu đô thị Nhơn Hội, Nhơn Lý,…theo hướng hiện đại gắn với phát triển du lịch và dịch vụ biển. Phát triển mạng lưới trung tâm thương mại gắn với mạng lưới giao thông công cộng. Tập trung phát triển các khu trung tâm hỗn hợp trong các khu đô thị mới, đặc biệt là ở khu đô thị Mai Hương.
– Đầu tư hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại, giao thông đường thủy, công trình đầu mối giao thông, giao thông công cộng; các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như: điện, cấp, thoát nước và xử lý nước thải, cầu tàu du lịch kết hợp dân sinh.
– Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống biển, đảo. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, thể thao trên biển, mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ có tiềm năng và sản phẩm du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch khoa học, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá,…
– Phát triển các sản phẩm dịch vụ, du lịch biển mới; hình thành từ 01- 02 điểm du lịch cộng đồng tại các làng chài ở phường, xã tuyến biển có điều kiện thực hiện như NHơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu.
– Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thành phố Quy Nhơn, xác định phát triển thương hiệu du lịch Quy Nhơn là điểm nhấn trong phát triển thương hiệu du lịch chung của tỉnh Bình Định; phát triển ứng dụng du lịch thông minh trong hoạt động du lịch và hỗ trợ quảng bá phát triển du lịch.
– Tranh thủ trong hợp tác với các đơn vị, địa phương kết nghĩa với thành phố Quy Nhơn về xúc tiến liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
– Tiếp tục thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trên địa bàn thành phố, phong trào“Mỗi người dân Bình Định là một Đại sứ du lịch”.
Thực hiện tốt các giải pháp cụ thể đã nêu ra, 5 năm tới thành phố Quy Nhơn chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi lớn, thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.